Cải cách chính sách tài chính tạo động lực cho tăng trưởng
- Được đăng ngày Thứ sáu, 20 Tháng 9 2019 15:56
(TCT online) - Ngày 19/9 tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính đã tổ chức Diễn đàn tài chính Việt Nam 2019 với chủ đề “Cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tại Việt Nam, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia 10 năm qua đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng những thách thức, khó khăn còn rất lớn. Điều này thể hiện ở việc, mặc dù tăng trưởng đạt được ở mức độ 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng và đổi mới còn hạn chế. Do đó, để phát triển nhanh và bền vững, Bộ Tài chính cho rằng chính sách tài chính - ngân sách phải đảm bảo thúc đẩy các vấn đề xã hội, trọng yếu là xóa đói giảm nghèo, đảm bảo dịch vụ công cần thiết. “Để phát triển nhanh và bền vững chính sách tài chính không thể không nhắc tới việc phát triển phải đi liền với giải quyết môi trường, đảm bảo sự bền vững phát triển trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia ảnh bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định. Theo đó, tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề thực trạng; định hướng giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; đánh giá những đóng góp của chính sách tài chính trong 10 năm qua đối với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nhận diện những điểm nghẽn, rào cản trong chính sách tài chính nói chung và trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể.

Theo ông Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất, Trưởng bộ phận hợp tác phát triển Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam, năm 2019 là thời điểm Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Trong đó, việc tăng hiệu suất quản lý trong lĩnh vực tài chính công là đặc điểm quan trọng của quá trình hướng tới cải cách lâu dài sắp tới. Đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc hướng tới chính sách tài chính tạo động lực tăng trưởng, ông Sebastian Paust cho rằng, đây là nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc cơ cấu chính sách tài chính của đất nước. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thu nhập trung bình vào năm 2030 và trở thành quốc gia có mức thu nhập cao hơn vào năm 2045, Việt Nam phải tính đến bối cảnh có nhiều xung đột thương mại trên thế giới. Việc cải cách chính sách tài chính trong thời kỳ này thực sự rất quan trọng. Do vậy, để cải cách chính sách tài chính, ngoài đòi hỏi về chất lượng và hiệu quả trong đầu tư công, cần hướng tới các nguồn lực, cơ sở hạ tầng, môi trường và đảm bảo khu vực tư nhân phát triển. Những vấn đề về chính sách cần đánh giá và mở rộng sao cho cân bằng và phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam phải cơ cấu lại chính sách về quản lý nợ và đầu tư công.
Trong khi đó, GS,TS Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam. Do vậy, cần xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng mà, cần khẳng định là trụ cột chính, nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế. Ngoài ra, phải có các chính sách đột phá cho khu vực tư nhân, tạo môi trường và cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực phát triển giữa các loại hình DN khác nhau; thực hiện giảm nhanh các chi phí đầu vào bằng cách thúc đẩy thị trường vốn, lao động, đất đai. Đồng tình với quan điểm này, song theo GS, TS Nguyễn Thị Cành (Đại học Kinh tế luật TPHCM), cần xây dựng chính sách nói chung và chính sách tài khoá nói riêng hướng đến an toàn và bền vững; tuân thủ chặt chẽ kỷ luật tài khoá, hạn chế tối đa các khoản chi cho tiêu dùng, tinh giản biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ tài chính. Mặt khác, rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn, tạo điều kiện để Việt Nam gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu và mục tiêu, đặc biệt là dự toán NSNN các cấp phải gắn với kết quả đầu ra.
Bài & ảnh: Thúy Nga
Tin mới
- Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử đề xuất từ doanh nghiệp - 14/10/2019 08:16
- Bổ sung ưu đãi về thuế và đất đai để thu hút DN tham gia cung cấp dịch vụ công - 14/10/2019 08:14
- Cộng hòa Liên bang Đức phát huy hiệu quả vai trò đại lý thuế - 09/10/2019 08:14
- Sửa đổi các quy định về phí và lệ phí theo hướng tập trung quản lý nguồn thu ngân sách - 04/10/2019 10:12
- Hộ kinh doanh lớn phải sử dụng hóa đơn điện tử - 30/09/2019 07:53
Các tin khác
- Chi phí đăng quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube… có được trừ khi tính thuế TNDN? - 11/09/2019 11:10
- Người nộp thuế được chuyển vị thế cao hơn - 06/09/2019 07:58
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi - 26/08/2019 08:17
- Chính sách tài chính đặc thù cho DN khởi nghiệp nhìn từ nước ngoài - 26/08/2019 08:13
- Đề xuất tăng thuế nhập khẩu mặt hàng thép cuộn - 21/08/2019 08:19